“Bách khoa toàn thư” về Tết Trung Thu: Nguồn gốc, ý nghĩa, sự tích, phong tục

Tết Trung Thu
Tết Trung Thu

Một mùa Tết Trung thu nữa lại sắp về. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã quá quen thuộc với việc phá cỗ, rước đèn Trung thu, tặng nhau những hộp bánh thơm ngon. Vậy nguồn gốc của cái Tết này từ đâu? Ý nghĩa của nó là gì? Mọi người thường làm gì trong ngày Rằm Tháng Tám? Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ “bật mí” ngay trong bài viết sau.

Trung thu ngày mấy trong năm?

Trung thu rơi vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm vì ngày này mặt trăng tròn và sáng nhất. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nên vào thời điểm này trong năm thường thì mùa vụ đã thu hoạch xong và mọi người sẽ có thời gian để quây quần bên nhau cũng như tổ chức những lễ hội mà trong đó tiêu biểu là lễ hội trăng rằm.

Tết Trung thu còn có tên gọi khác là gì?

Tại Việt Nam, ngoài tên gọi Tết Trung thu, dịp rằm Tháng Tám này còn có các tên gọi khác như Tết Thiếu Nhi, Tết Trông trăng hay Tết Đoàn viên. Mỗi tên gọi đều mang những ý nghĩa khác nhau.

  • Tết thiếu nhi: Tên gọi này xuất phát từ việc đây là dịp các bé được người lớn tặng nhiều đồ chơi, quà bánh, đèn lồng… Vào những ngày này, các em sẽ được cùng bạn bè rước đèn, phá cỗ Trung Thu, vui chơi thỏa thích.
  • Tết Trông trăng: Trong dịp này mọi thành viên trong gia đình cùng tề tựu bên nhau, cùng nhau ngắm trăng, phá cỗ Trung Thu, hàn huyên tâm tình dưới trăng nên Tết Trung thu còn có tên gọi khác trong dân gian là Tết trông Trăng.
  • Tết Đoàn viên: Thường thì dịp Tết Trung Thu là ngày mọi người làm ăn, đi học xa trở về bên gia đình, cùng tâm sự, thưởng thức những miếng bánh trung thu, ngắm trăng. Vì vậy mà cái tên ý nghĩa này được hình thành.
Tết Trung Thu
Tết Trung Thu: Nguồn gốc, ý nghĩa, phong tục

Tết Trung thu có nguồn gốc như thế nào?

Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có nguồn gốc từ thời xa xưa, khi mà các phong tục đón Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê – Trịnh thì Tết Trung thu không chỉ được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà còn phổ biến trong dân gian.

Tết Trung thu gắn liền với nền văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt. Thời điểm này khí hậu ôn hòa mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch nên mọi người nhân dịp này mà mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi. Trong đêm rằm Tháng Tám, nhà nhà quây quần phá cỗ, ngắm trăng, ca hát nhảy múa, trẻ con thì rước đèn đi khắp xóm làng.

Cũng có người cho rằng Tết Trung thu xuất phát từ thời vua Đường Minh Hoàng (713-741). Vào đêm Rằm Tháng Tám, trăng rất tròn và trong sáng, thời tiết mát mẻ, nhà vua đang dạo chơi vườn Ngự Uyển thì gặp đạo sĩ La Công Viễn. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn, nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và hòa mình vào âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu sắc. Nhà vua vui đến quên cả lối về, đạo sĩ phải nhắc nhà vua mới chịu trở về nhưng lòng đầy quyến luyến.

Về tới hoàng cung, Đường Minh Hoàng còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y. Cứ mỗi độ rằm tháng Tám lại ra lệnh cho hoàng cung bày tiệc ăn mừng, trong khi đó nhà vua và Dương Quý Phi lại cùng nhau uống rượu dưới trăng ngắm các nàng cung nữ múa hát.

Dần dà, tục lệ này truyền ra dân gian, cứ mỗi độ trăng rằm tháng Tám, mọi người mọi nhà lại quay quần bên nhau phá cỗ, ngắm trăng. Vào dịp này, mọi người làm bánh Trung thu để cúng, ăn, biếu thân bằng quyến thuộc và đãi khách, trẻ nhỏ thì rước đèn trong đêm Trung thu.

Không chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc mà Tết Trung Thu cũng diễn ra ở Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… và mỗi nơi lại có những truyền thuyết khác nhau. Nhưng nói chung, Tết Trung thu đại diện cho sự đoàn viên, quây quần và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất, trẻ nhỏ thì thỏa sức vui chơi, rước đèn.

Tết Trung Thu
Một trong những giai thoại về Tết Trung Thu là ở thời Đường Minh Hoàng

Những sự tích liên quan Tết Trung thu

Sự tích “chị Hằng Nga”

Tương truyền, vào thời xa xưa, lúc ấy có đến 10 mặt trời nên thế gian lúc nào cũng nóng bức, biển hồ khô cạn, người dân gần như không thể sống nổi. Thuở ấy cũng có một vị anh hùng tên là Hậu Nghệ đã trèo lên đỉnh núi Côn Lôn, dùng thần lực giương nỏ thần bắn rụng 9 mặt trời và chỉ để lại 1 mặt trời, nhờ đó khí hậu, mùa màng mới ổn định trở lại. Hậu Nghệ từ đó nhận được sự tôn kính và yêu mến của mọi người, rất nhiều chí sĩ mộ danh đã tìm đến tầm sư học đạo, trong đó có Bồng Mông là một kẻ tâm thuật bất chính.

Không lâu sau, Hậu Nghệ lấy một người vợ xinh đẹp, tốt bụng, tên là Hằng Nga. Họ có một cuộc sống hạnh phúc khiến mọi người đều ngưỡng mộ.

Một hôm, Hậu Nghệ đi thăm bạn, trên đường tình cờ gặp được Vương mẫu nương nương đi ngang qua, bèn xin Vương mẫu thuốc trường sinh bất tử. Ai uống thuốc này vào sẽ lập tức được bay lên trời thành tiên. Nhưng Hậu Nghệ không nỡ rời xa vợ, đành tạm thời đưa thuốc bất tử cho Hằng Nga cất giữ. Hằng Nga cất thuốc vào hộp đựng gương lược của mình, không ngờ Bồng Mông nhìn thấy.

Ba ngày sau, khi Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông đã giả vờ bệnh, xin ở lại. Đợi Hậu Nghệ dẫn các học trò đi, Bồng Mông đã đột nhập vào hậu viện, ép Hằng Nga phải đưa ra thuốc bất tử. Hằng Nga trong lúc nguy cấp đã mở hộp gương lược, lấy thuốc bất tử ra uống hết. Sau khi uống thuốc, Hằng Nga thấy người nhẹ bổng và dần bay lên trời. Nhưng do Hằng Nga vẫn còn quyến luyến đến chồng nên chỉ bay đến mặt trăng là nơi gần với nhân gian nhất rồi ở lại đó.

Tối hôm đó, khi Hậu Nghệ về đến nhà và nghe các thị nữ kể lại câu chuyện xảy ra lúc sáng. Hậu Nghệ đã định rút kiếm tìm giết nghịch đồ, nhưng Bồng Mông đã trốn đi mất. Hậu Nghệ trong lúc đau khổ đã ngửa lên trời gọi tên vợ hiền. Khi đó, anh kinh ngạc phát hiện ra, trăng hôm nay đặc biệt sáng ngời, mà còn có thêm một bóng người phụ nữ. Hậu Nghệ vội sai người đến hậu hoa viên nơi Hằng Nga yêu thích, lập bàn hương án, đặt lên đó những món ăn và trái cây mà bình thường Hằng Nga thích ăn nhất, để tưởng nhớ Hằng Nga nơi cung trăng đang nhớ đến mình.

Sau khi mọi người nghe tin Hằng Nga bay lên cung trăng thành tiên nữ, đều đã lần lượt bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga ban cho may mắn và bình an. Từ đó, phong tục “bái nguyệt” vào Tết Trung thu cũng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Tết Trung Thu
Sự tích Hằng Nga

Sự tích “chú Cuội cung trăng”

Ngày xưa có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, Cuội vác rìu vào rừng đốn củi. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội trông thấy một cái hang cọp có bốn con cọp con đang vờn nhau nên đã nhanh chóng vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay. Nhưng không may lúc đó cọp mẹ vừa về tới nơi nên Cuội phải nhanh chóng quẳng rìu leo thoắt lên ngọn cây cao gần đó. Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết rồi sau đó nó đi đến một cái cây gần đó đớp lấy một ít lá, trở về nhai và mớm cho con. Sau khi nhai những chiếc lá kia, bốn con cọp con đã sống lại. Chờ cho lũ cọp đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.

Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Ngay lập tức ông lão mở mắt ngồi dậy, sau đó lân la hỏi chuyện Cuội. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:

– Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Con hãy chăm sóc cây cẩn thận và nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó!

Nói rồi ông lão chống gậy đi. Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong. Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Tiếng đồn Cuội có phép thần thông lan đi khắp nơi.

Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi lấy lá cây trong người ra cứu chữa sau đó mang con chó về nuôi. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn.

Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên đến nài xin Cuội cứu con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội theo về nhà, lấy lá cứu sống cô gái. Cô gái tỏ lòng biết ơn xin làm vợ chàng.

Vợ chồng Cuội sống với nhau một thời gian thì một hôm, trong khi Cuội đi vắng, có bọn cướp đi qua. Biết Cuội có phép cải tử hoàn sinh, chúng bèn giết vợ Cuội, moi ruột vứt xuống sông. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ, mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống lại được.

Thấy chủ khóc thảm thiết, con chó đến xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Cuội cũng liều một phen. Quả nhiên người vợ sống lại thật. Thương con chó có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất đặt vào bụng chó, chó cũng sống lại. Vợ với chồng, người với vật lại càng quấn quít với nhau hơn xưa.

Nhưng cũng từ đấy, tính nết vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn, hễ nói đâu là quên đó. Ðã không biết mấy lần, chồng dặn vợ: “Có tiểu tiện thì đi bên Tây, chớ đi bên Ðông, cây dông lên trời!”. Nhưng vợ Cuội vừa nghe dặn xong đã quên ngay.

Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, cứ nhằm vào gốc cây quý mà tiểu tiện. Không ngờ chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời.

Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không sức nào cản nổi. Nhưng Cuội nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.

Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Nhìn lên mặt trăng mỗi đêm rằm, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa….

Ý nghĩa Tết Trung thu ở Việt Nam

Theo quan niệm của người xưa, Tết Trung thu không chỉ là dịp để cùng nhau ngắm trăng, phá cỗ mà còn là dịp mọi người cùng nhau họp mặt để tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

Tết Trung thu cũng là ngày mọi nhà chuẩn bị môt mâm cỗ thịnh soạn gồm các loại bánh và trái cây, đặc biệt là bánh Trung thu. Trước tiên là dâng lên cúng tổ tiên, ông bà, những người đã khuất. Sau đó, cả nhà sẽ cùng nhau quây quần để phá cỗ, thưởng trăng, kể chuyện cho nhau nghe.

Hiện nay, vào dịp Trung thu, người ta thường tặng nhau những món quà, đa phần là các hộp bánh Trung thu để tỏ lòng hiếu kính với ông bà, bố mẹ, thay lời chúc tốt đẹp đến bạn bè, người thân, đối tác, khách hàng. Trong khi đó thì các em nhỏ sẽ cùng nhau rước đèn, phá cỗ, xem múa lân, ngắm trăng…

Tết Trung Thu
Mâm cỗ Trung thu

Các phong tục Tết Trung Thu

Phong tục chơi đèn lồng

Tết Trung thu đi đôi với hình ảnh chiếc đèn lồng nhiều màu sắc sáng rực rỡ dưới ánh trăng vàng. Một số lại được làm thành dạng đèn hoa đăng, mọi người sẽ cùng nhau ghi những ước nguyện vào và thả trôi xuống dòng sông mang lời cầu nguyện đi xa.

Ở Trung Quốc, mọi người còn có thả đèn Khổng Minh. Đây là loại đèn có kích thức lớn, dán giấy xung quanh và thắp nến ở giữa, mọi người sẽ cùng nhau viết ước nguyện lên đèn và sau đó thả lên bầu trời. Mỗi dịp Trung thu sẽ có hàng chục, hàng trăm ngọn đèn được đồng loạt thả làm sáng rực cả một vùng trời, như thay mặt để chuyển lời cầu nguyện tới các vị thần linh.

Còn hiện nay tại Việt Nam, đèn lồng chủ yếu là được làm cho trẻ em vui chơi là chính. Những chiếc đèn Trung thu cũng có vô số hình dáng từ bông hóa, cá, gấu… hầu hết được làm thủ công từ tre và giấy gió, tô vẽ bên ngoài đèn là những nét vẽ đường thêu vô cùng đặc sắc.

Phong tục ngắm trăng

Trăng rằm Tháng Tám được xem là biểu hiện của sự sum vầy, đoàn viên. Thời điểm này trong năm cũng là lúc khí hậu mát mẻ, trời đất hòa hợp. Vào thời xưa, đây cũng là lúc mà các nông dân nhàn nhất, có thể thảnh thơi ngắm cảnh thưởng nguyệt, phá cỗ dưới ánh trăng. Trong lúc cả nhà quây quần thì mọi người sẽ kể cho nhau nghe những câu chuyện khi đi làm ăn, đi học xa. Các ông bố bà mẹ thì sẽ kể về giai thoại chú Cuội ngồi gốc đa cho con mình nghe.

Phá cỗ Trung thu

Phá cổ Trung thu là phong tục lâu đời của người Việt. Mỗi năm vào dịp này, mọi gia đình sẽ bày một mâm cỗ với bánh trung thu, kẹo, các loại trái cây… Trước là dâng cúng trời đất và Trăng cùng ông bà tổ tiên, sau là để cả nhà cùng nhau quây quần phá cỗ và thưởng thức hương vị của Tết Trung thu, cùng nhau cầu mong một cuộc sống tốt lành và đoàn viên.

Tết Trung Thu
Bánh Trung Thu

Xem múa lân

Vào đêm 14 và đêm 15 tháng Tám, nhiều nơi thường tổ chức múa lân. Con lân tượng trưng cho phước lành và may mắn vì vậy múa lân đêm trung thu cũng tượng trưng cho ước mong cho những điềm lành đến với mọi người mọi nhà.

Cắt bánh trung thu

Bánh Trung thu tượng trưng cho sự đoàn viên, là thứ không thể thiếu để cúng trăng và tổ tiên ông bà. Bánh Trung thu có hai loại gồm bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng thường có vị mặn, làm bằng nhân đậu xanh và lòng đỏ trứng gà. Còn bánh dẻo có vị ngọt làm bằng nhân đậu xanh hay đậu đỏ được nấu nhừ và đánh nhuyễn như bột.

Ban đầu, bánh Trung thu có hình tròn, tượng trưng cho sự đoàn viên. Dần dần, bánh được biến dạng thành hình vuông, bên ngoài bánh, phía trên mặt vẽ một vòng tròn ngay trung tâm bằng lòng đỏ trứng gà, trông như vầng trăng chiếu sáng… Ngày nay bánh Trung thu cũng được biến tấu thành nhiều loại nhân khác nhau, phù hợp với sở thích của mọi người.

Mọi người thường cắt bánh Trung thu bằng với đúng số thành viên trong gia đình. Tương truyền rằng miếng bánh càng đều thì gia đình càng hạnh phúc hòa thuận.

Như vậy là bạn đã biết thêm nhiều điều thú vị về Tết Trung thu rồi đấy! Chúc bạn và gia đình có một cái tết đoàn viên thật hạnh phúc và nhiều ý nghĩa.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*